Hydrocolloid là gì, vì sao nó được sử dụng làm miếng dán mụn? Mình sẽ chia sẻ những thông tin mình tìm hiểu được về hợp chất thú vị này trong bài viết hôm nay nhé.

❄ Hydrocolloid là gì?
Quảng Cáo
Hydrocolloid là hợp chất được cấp bằng sáng chế vào năm 1967. Nó được ứng dụng đầu tiên trong lĩnh vực y tế, với vai trò băng thấm hút dịch từ vết thương. Miếng dán hydrocolloid có 2 lớp:
❤ Lớp ngoài ( bề mặt tiếp xúc với môi trường bên ngoài): có vai trò như 1 lá chắn, giúp bảo vệ vết thương khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, chất dơ. Tuy nhiên lớp màng này vẫn cho phép hơi nước thoát ra, nôm na là ‘ thở được’ ( breathable). Đa số các băng dán hydrocolloid có tính chống thấm nước, vì vậy khá thuận tiện cho sinh hoạt.
Quảng Cáo
❤ Lớp trong ( bề mặt tiếp xúc với vết thương) : được cấu tạo từ nhiều chuỗi polymer ưa nước ( polysacarit và protein), ví dụ như sodium carboxymethyl, cellulose, pectin, gelatin, sodium alginate…
Khi tiếp xúc với dịch ( nước, dịch tiết từ vết thương như mủ, huyết tương…), các chất này sẽ thấm hút dịch và chuyển sang dạng gel, giúp tạo môi trường ẩm để quá trình lành vết thương diễn ra thuận lợi hơn. Đây cũng là vai trò chính của hydrocolloid.
Quảng Cáo

❄ Qúa trình lành vết thương hở gồm có 4 giai đoạn:
🌸 1- Cầm máu: Khi bề mặt da mất tính liên kết, tùy vết thương nông/ sâu sẽ gây tổn thương mạch máu —> chảy máu. Khi đó, quá trình đông máu sẽ giúp tạo cục máu đôngđể cầm máu.
🌸 2- Viêm: Mô chết phóng thích các chất trung gian—> kích thích những tế bào miễn dịch ( bạch cầu, đại thực bào) đến dọn dẹp những mô bị hư/ chết, vi khuẩn… —> dịch tiết từ vết thương khi khô lại tạo thành vảy/ mài ( scab) bao ngoài vết thương.
🌸 3- Tăng sinh: Nguyên bào sợi trong lớp bì tăng sinh, sản xuất collagen, chất nền ngoại bào…—> kích thích tân tạo mạch máu, tạo mô hạt -> lấp đầy vết thương. Song song đó là quá trình biểu mô hóa —> tái tạo lớp thượng bìbề mặt. Vết thương dần dần được khép miệng. Sự sản xuất collagen bất thường trong quá trình này có thể dẫn đến hình thành sẹo ( lõm/ lồi).
🌸 4- Sửa chữa/ Tái tạo: Tiến trình này xảy ra khi vết thương hoàn toàn đóng kín miệng. Lúc này dù bề mặt da đã toàn vẹn, quá trình lành thương vẫn diễn ra bên dưới —-> phục hồi độ bền cơ học của da, tiếp tục quá trình tạo sẹo.
Quan niệm trước đây cho rằng, việc để vết thương khô, tạo vảy/ mài là cần thiết, vì lớp mài này có vai trò như bức tường thành cứng, chắc —> ngăn vi khuẩn, chất dơ xâm nhập. Tuy nhiên các nghiên cứu sau này nhận thấy,duy trì môi trường SẠCH, ẨM mới là tốt nhất, vì da lành nhanh hơn, qua đó cũng giảm hình thành sẹo 💦. Lớp vảy/ mài khô – dù hoàn thành tốt chức năng bảo vệ lại khiến quá trình tăng sinh, tái tạo da này bị chậm đi.
—-> Hydrocolloid – với lớp ngoài đảm bảo tính SẠCH +lớp trong đảm bảo duy trì tính ẨM- đã được áp dụng làm băng dán vết thương như thế.

Do hydrocolloid chỉ góp phần làm nhanh lành vết thương hở —-> miếng dán mụn 100% hydrocolloid không giúp làm xẹp những cục mụn đang hình thành, mà chỉ hiệu quả với những nốt mụn đã xì mủ bung bét ( mụn xì mủ, chảy máu cũng là 1 ‘ vết thương hở’ với kích thước nhỏ hơn thôi). Khi dán, hydrocolloid sẽ thấm hút dịch và từ từ chuyển màu vàng nhạt —-> trắng đục.
Ngoài ra, mình cũng dùng miếng dán mụn cũng để che nốt mụn khi đi ra đường —>vừa đảm bảo tính thẩm mỹ ( khi dán, cục mụn nom cũng ‘ tàng hình’ bớt) , vừa ngăn mụn tiếp xúc với môi trường bụi bẩn bên ngoài, vừa tránh thói quen đưa tay lên sờ sờ nặn mụn —> khá là hữu ích 💃💃.
Mình thấy 1 số hãng sản xuất miếng dán mụn hiện nay, ngoài thành phần hydrocolloid cũng pha chế thêm những chất có tính kháng viêm như tràm trà, acid salicylic… để dán luôn cho những nốt mụn đang hình thành. Tuy nhiên hiệu qủa làm xẹp mụn thì chưa biết vì mình chưa dùng 😋. Dù sao mình vẫn chuộng chấm mụn bằng mấy loại kem bôi có hoạt chất đặc trị, còn miếng dán mụn mình chỉ dùng để thấm hút dịch khi mụn xì mủ hoặc che mụn khi đi ra đường thôi 🌷.

🌿 P/s: Vì đây là những kiến thức nhỏ mình tự mày mò tìm hiểu, nên nếu có thiếu sót ở đâu các bạn chia sẻ để bài viết mình hoàn thiện hơn nhé.
Nếu thích các bài viết của mình, các bạn hãy like Page FB và Instagram ủng hộ mình nha.
Love, Ngọc.
Link tham khảo:
- Hydrocolloid- sentayho.com.vn
- Wound Care: Fact and Fiction About Hydrocolloid Dressings- H R Barnes-1993
- Wound Healing-Munire K. Ozgok Kangal, John-Paul Regan – April 2020
- Scabs, scars and better wound healing- sentayho.com.vn
- PROPER WOUND CARE: HOW TO MINIMIZE A SCAR- AAD